Home » Công nghệ mới »
Flappy Bird tạo “cú hích” cho ngành ứng dụng Việt Nam.
Nhiều chuyên gia công nghệ Việt Nam cho biết, trò chơi Flappy Bird (thống trị thị phần tải về máy iOS và Android trong tháng 1/2013) của tác giả Nguyen Ha Dong là điểm sáng của ngành ứng dụng Việt Nam và đây sẽ là “liều thuốc kích thích” họ phát triển.
Trò chơi miễn phí này hiện đã đem lại doanh thu 50.000 USD/ngày từ tiền quảng cáo, dựa vào các banner quảng cáo ở đầu và dưới cùng của màn hình.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+ sáng 6/2, ông Hồ Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty Naiscorp (đơn vị từng phát triển ứng dụng Socbay iMedia với 22 triệu lượt tải và được Nokia chứng nhận là một trong bốn ứng dựng có lượt tải lớn nhất khu vực châu Á) nhận định, tác giả của Flappy Bird rất hiểu người chơi game.
Ông Đức cho rằng, trước khi nổi tiếng, Flappy Bird đã có một lượng người dùng nhất định, và nhờ đó Nguyen Ha Dong đã có thể tìm hiểu nhu cầu của người chơi, từ đó cập nhật Flappy Bird hấp dẫn hơn.
Bên cạnh việc rất hiểu người chơi game, việc thành công của Flappy Bird cho tới hiện tại còn có yếu tố am hiểu thị trường và một chút may mắn.
“Việc làm game bản chất phải hướng tới đại trà, đơn giản và những ví dụ của sự thành công như Angry Bird, Candy Crush Saga… là những ví dụ điển hình,” ông Đức nói.
Ông Lê Văn Giáp, sáng lập diễn đàn Vietandroid.com và cũng là người sáng lập, điều hành kho ứng dụng ViMarket.vn cho biết, về kỹ thuật thì Flappy Bird không khó và một người viết lập trình bình thường cũng có thể làm được. Tuy nhiên, vấn đề ở đây chính là Flappy Bird là một game lạ, phù hợp tâm lý người chơi.
Về con số doanh thu 50.000 USD/ngày của Flappy Bird, anh Nguyễn Duy Hiến, Admin của kho ứng dụng Appstore.vn nhận định đây là một con số hết sức đáng nể. Theo kinh nghiệm của mình, anh Hiến cho biết game Việt có lượng tải lên tới hàng triệu hiện cũng chỉ dừng lại ở mức doanh thu vài nghìn USD/tháng mà thôi.
“Theo tôi, Flappy Bird là một hiện tượng của ngành game Việt, nó có lối chơi khác biệt, kích thích người chơi chinh phục điểm số của nhau. Trước đó, cũng có vài game Việt tương tự, song không hay bằng Flappy Bird,” anh Hiến nhận định.
Còn theo ông Giáp, con số 50.000 USD/ngày đã thực sự gây “sốc” bởi “từ trước tới nay chưa game Việt nào kiếm tiền từ quảng cáo nhiều như vậy.”
Ông Hồ Minh Đức thì nói, game vươn ra tầm thế giới như Flappy Bird thì mức doanh thu 50.000 USD/ngày vẫn còn khá khiêm tốn so với các game đình đám khác. Và, mức doanh thu này hoàn toàn có thể tăng lên trong thời gian tới.
Theo ông Đức, doanh thu từ quảng cáo sẽ không đem lại một số tiền lớn như kết hợp với bán lượt chơi (ví dụ như Candy Crush Saga). Do đó, trên đà thành công này, tác giả Nguyen Ha Dong cần bổ sung thêm kịch bản hấp dẫn cho trò chơi để đáp ứng nhu cầu người dùng, từ đó phát triển các kịch bản kinh doanh như thu hút người dùng nạp tiền để chơi…
Cả ba chuyên gia trên đều cho rằng, việc thành công về lượt tải, doanh thu của Flappy Bird cho tới thời điểm hiện tại là niềm tự hào của ngành ứng dụng Việt Nam. Đây cũng sẽ là liều thuốc kích thích để các doanh nghiệp nội dung Việt Nam đầu tư hơn nữa trong việc phát triển các ứng dụng, chinh phục người dùng thế giới.
Các bài viết khác:
Bạn muốn gửi quan điểm của mình bằng cách nào?
No Comments
[…] Flappy Bird tạo “cú hích” cho ngành ứng dụng Việt Nam. […]
[…] Flappy Bird tạo “cú hích” cho ngành ứng dụng Việt Nam. […]
[…] Flappy Bird tạo “cú hích” cho ngành ứng dụng Việt Nam. […]