Home » Đặc sản Miền Bắc »
Đặc sản Thanh Hóa xưa và nay (phần 5)
Đến các bản làng của người Mường – Thanh Hoá, du khách được thưởng thức một thức uống độc đáo khác nữa của người Mường, đó là ‘Rượu nếp cẩm’ (thứ rượu ủ, không chưng cất)…
Chè lam Phủ Quảng
Chè Lam là một món ăn quen thuộc của nhiều vùng miền nước ta. Nhưng có lẽ chẳng nơi nào có món Chè Lam độc đáo như vùng Phủ Quảng xứ Thanh – Bởi lẽ Chè Lam Phủ Quảng thơm ngon vì cái vị giòn giòn độc đáo tan ra ngay trên đầu lưỡi.
Miếng Chè Lam Phủ Quảng tuy rắn nhưng lại giòn tan. Nhưng để được như thế cũng lắm công phu. Gạo nếp được xay nhuyễn bằng cối đá bắc, một phần gạo rang chín đều, lạc rang giã đôi giã ba, gừng tươi đồ chín rồi xắt lát… tất cả những nguyên liệu ấy được ngào chung trong nồi mật mía sánh óng ngọt lừ đang bắt lửa sôi như say trên chảo gang. Cái ngọt, cái mềm, cái thơm, cái cay quyện hòa vào nhau, tan biến vào nhau, để đến khi ta cầm trên tay thanh Chè Lam mỏng mảnh phủ ngoài lớp áo bột trắng phau.
Đã có chè lam thì không thể thiếu ấm nước trà xanh hay trà tàu. Bưng chén trà phảng phất khói mờ và bồng bềnh vài lá trà xanh mềm sâm sẫm, nhấp ngụm trà ngan ngát, cái chan chát đăng đắng làm dịu đi vị ngọt sắc đang còn lưu luyến trên đầu lưỡi.
Rượu nếp cẩm
Đến các bản làng của người Mường – Thanh Hoá, du khách được thưởng thức một thức uống độc đáo khác nữa của người Mường, đó là ‘Rượu nếp cẩm’ (thứ rượu ủ, không chưng cất).
Người xưa ủ rượu cẩm rất công phu, quan trọng hàng đầu là việc chọn men. Những người biết làm men rượu thường phải vào tận rừng sâu, kiếm sa nhãn và thiên niên kiện là 2 vị chính dùng để làm men, tất nhiên còn phải kèm theo một số vị khác nữa, từ rễ, lá của mấy loại cây nhất định, để đảm bảo cho rượu nếp cẩm có hương vị riêng. Gạo nếp cẩm sau khi được đồ chín, vãi ra nong tre hoặc sàng quạt nguội, cho men lá cây vào trộn đều ủ đúng 3 ngày. Gạo lên men thành cơm rượu thơm ngọt, cho vào chum sành có thể đổ thêm một vài lít rượu nếp thường sẵn có, bịt kín chum bằng lá chuối khô, hoặc cũng có thể bằng nhiều lượt vải ni lông. Sau đó chum rượu được chôn dưới đất. Sau 3 tháng 10 ngày, bình rượu có thể đem dùng. Người ta đào rượu lên, dùng khăn sạch tách lọc phần nước và bã.
Thứ rượu độc đáo này phù hợp với mọi lứa tuổi. Chỉ một lần nếm thử chắc chắn du khách sẽ thật khó quên
Tham khảo thêm các chuyên đề đặc sắc khác: Bếp từ– Bếp điện-hồng ngoại – Máy hút mùi – Lò vi sóng – Bếp gas
Bạn muốn gửi quan điểm của mình bằng cách nào?
0 Comments
You can be the first one to leave a comment.