Đặc sản của biển Hải Phòng

 

Hải Phòng – một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam,  làm hài lòng du khách với những món ăn đặc sản của biển và nhiều cuộc khám phá đầy ấn tượng. 

Bánh đa cua

banh-da-cua

Không biết từ bao giờ, món ăn dân dã ấy lại gắn liền với mảnh đất này. Chỉ biết rằng, bất cứ ai đã đến thăm Hải Phòng đều ít nhất một lần nếm thử và bị vị ngon của nó cuốn hút.

Buổi sáng thức dậy, thứ quà sáng mà người đất cảng nghĩ đến đầu tiên là bánh đa cua. Một nhúm bánh đa đỏ trần sơ, rau muống chẻ đôi, xanh mướt, gạch cua óng ánh vàng, chả lá lốt nâu đậm đà và một chút hành khô thơm lựng. Nước canh phải thật trong, là thứ nước xương và cua đã gạt hết bọt. Người Hải Phòng không ”ăn lớn” như tiếng lành vẫn đồn xa, bát bánh đa chỉ nhỏ vừa vừa, ăn không ngán.

Mùa hè, bánh đa cua kéo khách bởi cái màu xanh bắt mắt của rau muống đầm xanh, giòn và mùa đông là vị ấm áp của cua đồng béo ngậy. Khi màn đêm xuống, những chuyến tàu trả hàng, ăn hàng ra khơi, gắn bó với những người thợ cảng cũng là món bánh đa cua giản dị. Cái làm cho bánh đa cua Hải Phòng đặc biệt lại chẳng phải rau muống, chả lá lốt, vị cua đồng hay hành phi – những thứ đâu đâu cũng có mà lại chính là thứ bánh đa đỏ, thứ nguyên liệu mà vận chuyển đi bất cứ đâu đều mất vị ngon. Bánh đa người Hải Phòng thường ăn được gọi là bánh đa ướt, thứ bánh đa chỉ để được một ngày và khi ăn cũng chỉ trần qua, vị bánh giòn và đậm không như thứ bánh đa đã được sấy khô, cuộn chặt để vận chuyển ra các tỉnh, đến khi ăn phải ngâm vào nước lã thật lâu, rồi phải chần thật kỹ, đến khi ăn, sợi bánh đã bợt, nhũn ra.

Nếu ai đã từng đến Hải Phòng sẽ thấy điều đặc biệt là bất kỳ con đường, ngõ phố nào cũng có hàng bánh đa cua, từ trẻ con đến người lớn, chẳng ai nói là nghiện nhưng đã tự coi đấy là thức ăn không thể thiếu của mỗi ngày. Đám trẻ thích ồn ào hay tập trung tại những hàng bánh đa cua trên đường Trần Phú, nơi có thể ngắm nhìn dòng xe tấp nập và Nhà hát Lớn sáng đèn khi đêm về. Những người sành ăn lại tìm đến những quán vắng và khuất một chút, những quán chẳng có thương hiệu gì như quán góc đường Hàng Kênh, dưới những hàng cây rậm mát hay một quán cổ nơi góc phố Lý Thường Kiệt. Và sau đó, ngồi nhâm nhi một chén trà cúc, vương vất mùi cam thảo, vương vất nhớ nắng vàng của mùa thu, hoa cúc.

Bánh mì cay Hải phòng

banhmihaiphong

Đã từ lâu, món bánh mỳ cay trở thành món ăn quen thuộc của người dân và du khách khi đến Hải Phòng. Mỗi khi tan trường, màu áo trắng học trò thường xuất hiện ở ngõ Khánh Lạp, đường Dư Hàng Kênh để thưởng thức món bánh mỳ, vừa rẻ vừa ngon! Quán bánh mỳ thật đơn giản, chỉ có chiếc bàn gỗ, chiếc ghế băng dài và chiếc lò nướng bánh nhưng lúc nào cũng đông khách.

Cái vị giòn tan của bánh mỳ, vị thơm ngậy của pa-tê và vị cay xè của chí chương (tương ớt) hòa quyện với nhau tạo nên 1 hương vị không thể quên. Đặc biệt là vào những ngày đông lạnh giá, cầm trên tay chiếc bánh mỳ nóng hôi hổi và tự tay phết chí chương thì thật là tuyệt. Nó làm khỏa lấp đi cái rét buốt của mùa đông để tận hưởng hương vị thơm ngon của chiếc bánh mỳ.

Để có thể tạo nên chiếc bánh mỳ ngon thì phải là bánh mỳ nhỏ, màu vàng nhạt và lấy ở các lò chuyên làm bánh mỳ cay. Làm pa-tê cũng cầu kỳ và phải có bí quyết riêng. Nguyên liệu chính để làm pa-tê là gan, mỡ, thịt nạc, tỏi say nhuyễn rồi đem hấp cách thủy khoảng 8 – 10 tiếng. Pa-tê ngon là phải dậy mùi thơm ngậy và khi đổ ra khay sẽ còn nguyên lớp mỡ phủ lên trên bề mặt. Khi phết lên bánh mỳ phải vừa tầm không nhiều quá mà không ít qua. Nhiều thì sẽ gây ngán còn ít thì sẽ không ngon. Và cái cuối cùng quyết định đến hương vị của món ăn là chí chương (tương ớt). Sở dĩ gọi tương ớt là chí chương vì từ này có nguồn gốc từ người Hoa. Chí chương được làm từ cà chua, ớt tươi và tỏi xay nhỏ rồi sau đó cho thêm ít muối, để cho lên men…
Ở Hải Phòng, có 2 địa điểm bán bánh mỳ cay nổi tiếng ở đường Lê lợi đi qua ngã tư Phạm Minh Đức, gần chợ Lương Văn Canvà Ngõ Khánh Lạp – đường Dư Hàng Kênh, gần ngã ba Nguyễn Công Trứ. Giá của 1 chiếc bánh mỳ hiện tại ở Hải Phòng là 2.000đ/chiếc.

Nem cua bể Hải phòng

nem-cua

Món nem cua bể hải sản là một đặc sản nổi tiếng của thành phố biển Hải Phòng. Với cách chế biến tinh tế,  món ăn này mang đến một dư vị độc đáo cho thực khách.

Đến Hải Phòng có hai món ăn đã trở thành đặc sản mà khẩu vị ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Cảng là bánh đa cua và nem cua. Nét đặc biệt của hai món ăn này là thành phần thịt cua, gạch cua đóng vai trò chủ đạo. Cua bể Hải Phòng không to như nhiều vùng biển khác nhưng bù lại thịt cua lại rất chắc và thơm ngon.
Để làm nem cua bể, người ta phải rất kỳ công trong khâu lựa chọn cua. Cua bể phải ở vùng Cát Hải, nơi đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản lớn nhất thành phố hoa phượng đỏ. Cua ở đây không quá to nhưng thịt trắng và chắc, trung bình mỗi con nặng từ 0,6-0,8kg. Ngon nhất là loại cua gạch vì vị đậm đà, giàu chất đạm. Cua được chọn làm nem dứt khoát phải là cua gạch, mình dầy. Đã gọi là nem thì không thể thiếu các nguyên liệu bắt buộc khác như nấm hương, mộc nhĩ, thịt nạc vai, lòng đỏ trứng gà, hành lá, miến, giá đỗ… cùng các loại gia vị được tẩm ướp trong quá trình chế biến, nhưng với nem cua Hải Phòng thì thịt cua đóng vai trò quyết định và được xem là thành phần chính của nem.

Để có được những chiếc nem thơm ngon, đạt tiêu chuẩn, đòi hỏi phải có kỹ thuật chế biến khéo, trong đó khâu bảo quản nguyên liệu nhất là thịt cua rất khắt khe, bởi môi trường bên ngoài, thịt rất dễ hỏng, biến màu, mất mùi vị. Do vậy, khi làm nem, cua chỉ được làm thịt trước đó khoảng chừng 10-15 phút. Đến công đoạn rán nem cũng phải lưu ý lôn để nem ngập trong mỡ sôi già, liên tục đảo đều các cạnh và điều chỉnh lửa cho phù hợp để nem chín vàng đều, không bị lốm đốm cháy. Có như vậy, khi nem chín, thịt cua mới trắng và hấp dẫn.

Nước chấm nem cũng rất đặc biệt và quyết định một nửa sự thành công của nem. Và cũng chính từ nước chấm nem lại là yếu tố cơ bản tạo ra nét khác biệt giữa những người đầu bếp và các nhà hàng. Thành phần chủ đạo nước chấm nem vẫn là nước mắm nhưng phải là loại thật ngon để pha chế cùng nước đun sôi để nguội cùng dấm, tỏi, ớt, chanh tươi, đường, hạt tiêu và tựu trung phải tạo ra vị chua chua, ngọt ngọt để tôn thêm hương vị đậm đà của nem cua.

Tham khảo thêm các chuyên đề đặc sắc khác: Bếp từ– Bếp điện-hồng ngoại – Máy hút mùi – Lò vi sóng – Máy giặt – Tủ lạnh – Bếp gas

 
 

Bạn muốn gửi quan điểm của mình bằng cách nào?

Loading Facebook Comments ...
 

No Comments

  1. […] Đặc sản của biển Hải Phòng […]

 
 

Leave a Comment

 

You must be logged in to post a comment.