Lễ hội chùa Thầy nét đẹp làng quê Việt Nam
Hàng năm, Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày 7 tháng 3 âm lịch, các thiện nam tín nữ và du khách thập phương lại tấp nập kéo về dự hội chùa Thầy.
“Nhớ ngày mùng 7 tháng 3
Trở vào hội Láng, trở ra “Hội Thầy”
Lịch sử hình thành và phát triển của “Hội Thầy”
Tương truyền, đây là ngày hội quan trọng nhất vì đó là ngày một vị cao tăng thời Lý – Thiền sư Từ Đạo Hạnh hoá Phật. Để kỷ niệm ngày này, nhân dân mở hội chùa Thầy. Đây là một lễ hội Phật giáo truyền thống điển hình của người Việt. Chùa Thầy là một trong những Di sản văn hoá quốc gia, có giá trị về mặt tâm linh và danh thắng. Chùa nằm ở chân núi Sài, thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 25 km về phía Tây Nam. Ngôi chùa được xây dựng vào thời Lý Nhân Tông (1072-1127).
Lễ hội chính được tổ chức 5 năm một lần. Tuy lễ hội năm nay không phải là lễ hội chính, song du khách khắp nơi vẫn đến tham gia rất tấp nập, các hoạt động văn hóa và tín ngưỡng vẫn diễn ra đúng nghi lễ và vui vẻ. Không khí lễ hội thật náo nhiệt. Cờ Phật được trang hoàng khắp nơi. Từ chùa Thượng, đến chùa Trung, chùa Hạ đâu đâu cũng vang tiếng gõ mõ, tiếng tụng kinh và khói hương nghi ngút. Dân làng rước các mâm lễ quả dâng chùa, du khách người đi thăm quan vãn cảnh, người thì bận bịu với việc chuẩn bị các đồ để cúng lễ. Khách đến lễ hội mong muốn bày tỏ ước vọng của mình trước thần phật; cầu tiền, tài, phúc, lộc, cầu cho tai qua nạn khỏi và gặp nhiều may mắn trong năm mới. Sau khi làm lễ, các du khách hành hương còn thăm quan các kiến trúc của chùa và các thắng cảnh tự nhiên như hang Thánh Hóa, hang Cắc Cớ, hang Hút Gió, thềm đá Thái Lão, đền kỷ niệm Phan Huy Chú, nhà lưu niệm Bác Hồ…
Cũng như mọi năm, các hoạt động dành cho phần hội diễn ra hết sức sinh động, vừa mang tính giải trí vừa chứa đựng những yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, lôi cuốn được nhiều người xem. Một trong những hoạt động giải trí, mang tính nghệ thuật cao là biểu diễn rối nước tại thủy đình, một kiến trúc sân khấu độc đáo chỉ dành cho loại hình nghệ thuật này, được xây dựng từ cách đây nhiều trăm năm, năm giữa ao Rồng (Long Trì), phía trước chùa. Nội dung của các vở diễn rối vẫn xoay quanh các chủ đề quen thuộc như “đi cày”, “bắt vịt”, “cáo bắt gà”, “múa loan phượng”… Ngoài ra, người ta còn tổ chức thêm một số trò chơi dân gian như kéo co, đánh đáo, đấu vật…Du khách tham gia lễ hội còn có thể thưởng thức các món ăn dân dã như bún riêu cua, riêu cá, bánh trái địa phương và mua các hàng lưu niệm.
Tuy nhiên, các hàng lưu niệm, các quán ăn được bày bán không theo trật tự. Vẫn còn có cảnh chèo kéo du khách, thái độ bán hàng thô tục, không lịch sự. Các hàng ăn thường đổ rác và thức ăn thừa xuống ao Rồng, gây ô nhiễm môi trường. Theo lời của sư trụ trì chùa Thầy, Hoà thượng-Thích Minh Hiển, cứ dăm hôm nhà chùa lại phải cho người vớt rác xung quanh hồ. Các hàng lưu niệm, các quầy bán hương hoa, các bàn bán vé số được bày bán suốt từ đường cái vào đến tận sân chùa, gây mất mỹ quan và làm hẹp đường đi lại, gây cảnh chen lấn, xô đẩy cho người dự hội.
Hình ảnh “Hội Thầy” trong lòng du khác.
Du khách đến chùa không chỉ vì lý do tín ngưỡng, mà còn có nhu cầu thưởng ngoạn và muốn được tận hưởng vẻ thanh tịnh của cảnh chùa chiền. Bà Nguyễn Thị Bài, Bắc Giang, lần đầu tiên được đến thăm chùa đã bày tỏ tâm sự của mình như sau: năm nay tôi đã ngoài 73 tuổi, mặc dù đã yếu nhưng vẫn cố gắng đến thăm chùa Thầy lấy một lần. Tôi đến đây để tham quan phong cảnh chùa Thầy và cầu mọi sự tốt lành luôn đến với gia đình chúng tôi. Còn bà Lê Thị Chiêng, Cầu Đất-Hải Phòng cho biết, năm nào cũng vậy, cứ ngày 7/3 tôi lại đến chùa để tưởng nhớ tới các vị tiền bối của Việt Nam đã có công dạy dỗ giúp nhân dân và cầu cho con cái tôi học hành tiến bộ, cầu sức khoẻ cho cả nhà. Tôi luôn dạy con mình phải cố gắng học tập để mai sau có ích cho gia đình và xã hội. Dù ở mọi hoàn cảnh nào các con phải sống độ lượng, từ bi và giữ lấy cái tâm, đức…
Hy vọng trong năm mới, các du khách đến với lễ hội sẽ được thưởng thức một phong cảnh lễ hội đẹp mắt với một bầu không khí trong lành hơn.
Bạn muốn gửi quan điểm của mình bằng cách nào?
0 Comments
You can be the first one to leave a comment.