Home » Đặc sản Miền Bắc »
Đặc sản cá nướng rơm – Ninh Bình
Gọi là cá nướng rơm nhưng không phải cứ đốt rơm lên, xiên cá vào que tre rồi nướng như dân gian vẫn làm, mà chính xác là cá úp vung gang, nướng rơm, ủ trấu. Và món ăn độc đáo này chỉ có ở những vùng quê chiêm trũng Nam Định, Ninh Bình.
Mùa này đang là mùa gặt, nên rơm rạ nhiều lắm. Rơm phơi trải đầy đường làng, ngõ xóm. Chọn một ít rơm sạch, phơi cho khô ròn rồi mang về nhà, chuẩn bị cho bữa chiều nướng cá. Cá thì vùng quê chiêm trũng này chỗ nào chả sẵn. Thường nhà nào cũng có một hoặc hai cái ao. Ra ao đánh lấy một mẻ, chừng 5, 6 con cá trôi, cá chép hoặc tuyệt nữa là cá quả, nặng tầm sáu, bảy lạng một con mang về là vừa khéo cho một mẻ nướng.
Nói món ăn bình dị vậy thôi, nhưng để làm được cũng cầu kỳ và công phu nhiều lắm. Chả thế nó mới thành đặc sản, chả thế ăn rồi một lần mới thành “ghiền”.
Cá nướng rơm với những công đoạn không kém phần công phu.
Công đoạn đầu tiên là làm cá. Cá đem rửa sạch rồi mổ bỏ ruột, bỏ đầu, nhưng tuyệt đối không được đánh vảy. Bởi khi nướng lớp vảy này sẽ giúp cá không bị cháy quá, đồng thời giữ cá sạch sẽ, không bị dính bụi, dính tro.
Nếu muốn cá nướng thêm vị thêm hương, có thể nhồi một ít sả băm nhỏ vào bụng cá, nhưng nếu làm vậy, cá nướng sẽ không để được lâu, nên tùy vào thời gian muốn giữ cá mà người ta có nhồi sả vào hay không. Nếu nướng cá rồi mang đi xa, để 2-3 ngày mới ăn thì tốt nhất không nhồi gì cả. Sau khi làm sạch xong rồi thì mang cá ra xóc với muối trắng. Xóc đều tay cho muối ngấm quanh mình cá, để một lúc cho con cá cứng lại rồi mang đi nướng.
Nướng được coi là công đoạn công phu nhất của món ăn. Vị trí nướng cá phải là một góc đất khô ráo, sạch sẽ. Tiếp đó phải lót trên mặt đất một lớp rơm sạch thật dầy, một lớp lá lốt để con cá khi chín được sạch sẽ, thơm tho.
Cứ như vậy một cứ lớp rơm, một lớp lá lốt, một lớp cá xếp chồng lên nhau cho đến hết. Bí quyết để cá nướng ngon và không cháy là phải xếp cá gọn trong vung gang, bởi để cá chìa ra ngoài là cháy hết.
Với món ăn này, cái vung gang là yếu tố quan trọng nhất. Nhờ cái vung gang mà cá được chín hoàn toàn bằng nhiệt, chín khô, vàng, thơm mà lại không bị cháy, không dính tro, bụi, đồng thời vẫn có một hương vị rất riêng mà các kiểu nướng khác không thể có được. Chả thế mà trong làng hầu như nhà ai cũng có một cái vung gang thật to.
Ở khu vực Nam Định người ta có thể thay vung gang bằng chậu nhôm, nhưng cách thức nướng và chất lượng món cá thì vẫn không có gì thay đổi.
Xếp cá xong xuôi rồi thì phủ lên vung thật nhiều rơm rồi đốt cho lửa cháy to. Khi lửa đã cháy đượm thì trải một lớp trấu dày lên trên để ủ âm ỉ trong khoảng hai giờ thì cời bếp ra để trở cá.
Từ từ gạt nhẹ lớp than, rồi cẩn trọng nhấc vung gang ra, đã thấy lớp rơm lót bên trong cháy khô vì nhiệt cao – cháy mà không thành than, vẫn còn nguyên hình dạng màu sắc sợi rơm, còn con cá thì vàng ươm một mặt và bắt đầu thơm phức. Lúc này, bạn nhanh tay lật trở cá cho đều. Rồi úp vung gang lại, lại đốt rơm và ủ trấu chừng ấy thời gian nữa là cá đã săn chín.
Chiều quê yên ả, bếp ủ cá khói bốc lên cao, lan tỏa khắp các đường làng ngõ xóm. Nhìn khói rơm rạ bảng lảng trong ráng chiều, như giục bước chân người về nhanh quây quần bên bữa cơm gia đình…
Các bài viết khác:
Bạn muốn gửi quan điểm của mình bằng cách nào?
0 Comments
You can be the first one to leave a comment.