Bánh chưng ngày Tết và niềm vui sum họp
Bánh chưng gợi nhớ ngày Tết hay Tết gợi hương vị bánh chưng? Không biết tự bao giờ, món bánh truyền thống ấy đã trở thành thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, thành món ăn đặc trưng trong ngày Tết.
Với nhiều gia đình, chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành niềm vui, niềm hân hoan sum họp trong những ngày đầu năm mới.
Ngày Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh chưng để cúng gia tiên. Bánh chưng là nét văn hóa lâu đời mà có lẽ mãi mãi về sau cũng không thể biến mất trong tâm thức người Việt.
Cùng với sự phát triển của xã hội, hình ảnh nồi bánh chưng sôi sùng sục suốt đêm và những ánh lửa bập bùng trong đôi mắt người trông bánh nay đã thưa dần và gần như đã không còn thấy ở thành phố nữa. Mỗi năm Tết đến, tôi lại nhớ về những cái Tết thời thơ bé với nồi bánh chưng ấm cúng mà đến khi trưởng thành tôi mới nhận ra nó ấm áp nghĩa tình biết bao.
Dân tộc nào cũng có những món ăn truyền thống, song chưa thấy dân tộc nào có một món ăn vừa độc đáo, vừa ngon, vừa bổ, lại gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh như bánh chưng, bánh dầy của Việt Nam.
Vào các dịp lễ tết ở miền Bắc, một trong các món ăn phổ biến nhất là bánh chưng, bánh dầy. Trong mâm cỗ đón Xuân, những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa.
Có người quan niệm bánh chưng hình vuông để tượng trưng cho đất, là âm, dành cho mẹ; bánh dầy hình tròn để tượng trưng cho trời, là dương, dành cho cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.
Các bài viết khác:
Bạn muốn gửi quan điểm của mình bằng cách nào?
No Comments
[…] Bánh chưng ngày Tết và niềm vui sum họp […]
[…] Bánh chưng ngày Tết và niềm vui sum họp […]